Công trình khoa học đã công bố

Nghiên cứu khoa học  »  Công trình khoa học đã công bố


Một số giải pháp phát triển dịch vụ thanh toán quốc tế ở Ngân hàng Sài Gòn thương tín (Sacombank) chi nhánh Đồng Nai

 

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ THANH TOÁN QUỐC TẾ
Ở NGÂN HÀNG SÀI GÒN THƯƠNG TÍN (SACOMBANK) CHI NHÁNH ĐỒNG NAI
 
VÕ THỊ THUỶ TIÊN*
 
       Nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng qua 10 năm từ năm 1999 đến năm 2008 [4]các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu hình thành ngày càng nhiều kéo theo các dịch vụ thanh toán quốc tế ở các ngân hàng cũng phát triển mạnh. “Xu hướng của các ngân hàng hiện nay đang hướng tới là gia tăng tỷ trọng doanh thu từ hoạt động dịch vụ nhằm phát triển an toàn, bền vững và giảm thiểu nhiều rủi ro khi nền kinh tế có biến động” [1-Trang 9]. Bên cạnh đó việc các ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập tại Việt Nam khiến sự cạnh tranh giữa các ngân hàng “nội” và “ngoại” diễn ra quyết liệt, các ngân hàng thương mại trong nước buộc phải cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng thì mới tạo được lợi thế cạnh tranh để tồn tại và phát triển mạnh. Từ những nhận định thiết thực trên tôi chọn đề tài “MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ THANH TOÁN QUỐC TẾ Ở NGÂN HÀNG SÀI GÒN THƯƠNG TÍN (SACOMBANK) – CHI NHÁNH ĐỒNG NAI”.

      Tại Việt Nam đã có một số đề tài nghiên cứu về phát triển dịch vụ thanh toán quốc tế [3]: Mở rộng kênh phân phối phát triển dịch vụ thanh toán quốc tế tại Ngân hàng TMCP Đông Á. Nâng cao năng lực cạnh tranh về thanh toán quốc tế của ngân hàng Sacombank trong quá trình hội nhập - gia nhập WTO. Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả vận dụng phương thức tín dụng chứng từ tại Sacombank - Chi nhánh Gò Vấp. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong lãnh vực thanh toán quốc tế…. Tuy nhiên vẫn chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể, đi sâu vào tình hình thực tế của từng đơn vị nghiên cứu, và đối với Đồng Nai, một địa điểm mà các ngân hàng đang ra sức phát triển để chiếm lợi thế trong những năm gần đây thì cạnh tranh chỉ mới bắt đầu, các đề tài nghiên cứu riêng cho môi trường kinh doanh, cạnh tranh về dịch vụ giữa các ngân hàng tại Đồng Nai chưa có. Thêm vào đó Sacombank Đồng Nai là ngân hàng mới phát triển dịch vụ thanh toán quốc tế nên đề tài tôi thực hiện vẫn là đề tài khá mới mẻ ở Đồng Nai và là đề tài đầu tiên được nghiên cứu tại bộ phận thanh toán quốc tế của Sacombank Đồng Nai từ khi thành lập cho đến nay nên đề tài có tính khả thi rất cao.

      SACOMBANK - CHI NHÁNH ĐỒNG NAI (SACOMBANK ĐỒNG NAI)

      Sacombank Đồng Nai được thành lập theo quyết định số 16/2003/QĐ-HĐQT ngày 07/01/2003 của Hội Đồng Quản Trị Ngân Hàng Sài Gòn Thương Tín. Sacombank Đồng Nai chính thức khai trương hoạt động ngày 04/04/2003.
      Địa chỉ: Số 87-89 Đường 30/4, Phường Thanh Bình, TP Biên Hoà, Tỉnh Đồng Nai.
      Tel: (061) 3946207
      Fax: (061) 3925195
      Website: www.sacombank.com.vn        


      Trụ sở Sacombank Đồng Nai có tổng diện tích sử dụng 2.100m2, gồm 1 tầng hầm và 8 tầng lầu với vốn đầu tư ban đầu 30 tỷ đồng được trang bị cơ sở vật chất hiện đại.
      Lĩnh vực hoạt động chính của Sacombank Đồng Nai bao gồm cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực hiện các dịch vụ chuyển tiền, thanh toán quốc tế, bão lãnh, kinh doanh ngoại tệ, vàng…



      Từ việc thu thập, tổng hợp, phân tích các số liệu được ngân hàng cung cấp, kết hợp với việc nghiên cứu các sản phẩm thanh toán quốc tế tại các ngân hàng trong và ngoài nước, mà tại Sacombank Đồng Nai chưa thực hiện để biết ưu điểm và nhược điểm của các sản phẩm đó, từ đó lựa chọn các sản phẩm phù hợp nhất để từng bước triển khai áp dụng vào Sacombank Đồng Nai. Thông qua việc các khách hàng hiện hữu đang có quan hệ thanh toán quốc tế với Sacombank Đồng Nai đến giao dịch tại ngân hàng, tôi đã thu thập ý kiến của họ về các sản phẩm thanh toán quốc tế, điểm nào đã hài lòng và điểm nào chưa hài lòng về dịch vụ thanh toán quốc tế của Sacombank Đồng Nai. Đồng thời tìm hiểu nhu cầu mới của khách hàng cần thêm những sản phẩm thanh toán quốc tế mới, tận dụng kết hợp với phòng doanh nghiệp khai thác thông tin, nhu cầu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang có quan hệ tín dụng với ngân hàng. Từ đó đưa ra các sản phẩm phù hợp nhu cầu của khách hàng, phát triển dịch vụ thanh toán quốc tế đến với các khách hàng mới. Cũng qua đó tôi đã có được cái nhìn tổng quan về hiện trạng hoạt động thanh toán quốc tế tại Sacombank Đồng Nai, “hoạt động thanh toán quốc tế ở Sacombank Đồng Nai ngày càng phát triển và phong phú về các loại tiền tệ giao dịch như USD, EUR, ADU, CAD, SGD, GBP, JPY, CHF, NZD. Kết quả hoạt động thanh toán quốc tế ở Sacombank Đồng Nai tăng đều qua các năm từ năm 2006 đến năm 2008” [2-Trang 7]. Có thể kỳ vọng năm 2009 doanh số xuất nhập khẩu hàng hoá sẽ tăng, tạo lợi nhuận cao nếu Sacombank Đồng Nai biết tận dụng tốt các điểm thuận lợi chủ quan của ngân hàng và khách quan của môi trường kinh tế. Mặt khác tôi cũng đã nhận thấy được tiềm năng rất lớn phát triển sản phẩm, dịch vụ này tại địa bàn tỉnh Đồng Nai và đã đưa ra các giải pháp cụ thể thiết thực, có ích rất nhiều trong quá trình tái cấu trúc và phát triển bộ phận thanh toán quốc tế của Sacombank Đồng Nai, gồm 5 nhóm giải pháp chính sau:
  • Giải pháp về nguồn nhân lực.
  • Giải pháp về cải tiến chất lượng quản trị ngân hàng.
  • Giải pháp về trang thiết bị và công nghệ.
  • Giải pháp nâng cao tính chuyên nghiệp trong các quy trình.
  • Giải pháp về quảng cáo, tiếp thị.
      Cụ thể những hoạt động cần được thực hiện để phát triển dịch vụ thanh toán quốc tế tại Sacombank Đồng Nai trước mắt là:
  • Tạo ra các sản phẩm, dịch vụ thanh toán quốc tế đủ tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; kết hợp nhiều sản phẩm với nhau để tạo sự tiện ích cho khách hàng khi sử dụng; đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ thanh toán quốc tế; nghiên cứu các sản phẩm, dịch vụ thanh toán quốc tế đang được các ngân hàng cạnh tranh kể cả ngân hàng nước ngoài đang triển khai; nghiên cứu cụ thể về nhu cầu trong nước để thiết kế những sản phẩm dịch vụ thanh toán quốc tế phù hợp; nghiên cứu áp dụng giải pháp thương mại điện tử vào thanh toán quốc tế.

 

  • Đưa nhân viên đi học các lớp nghiệp vụ ngắn hạn tại Hội sở; xây dựng một nền văn hoá ngân hàng thân thiện; tạo điều kiện cho nhân viên phát huy khả năng sáng tạo thông qua các cuộc thi như viết khẩu hiệu cho ngân hàng, thiết kế thiệp chúc mừng sinh nhật khách hàng, thiệp mừng tết,…Các cuộc thi thể thao, năng khiếu… Định 2 tháng 1 lần tổ chức chương trình bình chọn nhân viên chăm sóc khách hàng tốt nhất chi nhánh do khách hàng bình chọn; xác định những giá trị văn hóa cốt lõi của ngân hàng mình, tạo ra một phong cách khác biệt cho các nhân viên của Sacombank Đồng Nai.


  • Mỗi năm 1 lần phát động chương trình “Nụ cười thân thiện” để điều tra mức độ hài lòng của khách hàng.
  • Để khuyến khích các doanh nghiệp đang có tài khoản tiền gửi thanh toán tại ngân hàng tham gia dịch vụ thanh toán quốc tế có thể ưu đãi về phí như không tính hoa hồng đối với các nghiệp vụ thực hiện tại ngân hàng như chuyển tài khoản, chuyển ngân ra nước ngoài thu ngân hay trả nợ.
  • Tổ chức các buổi tập huấn nhỏ về các kỹ năng giao tiếp với khách hàng, chú trọng đến cách nói năng, chào hỏi, cách trả lời điện thoại của các nhân viên giao dịch trực tiếp với khách hàng.
  • Sử dụng hệ thống giải pháp quản trị quan hệ khách hàng (CRM).
  • Ngoài ra chất lượng dịch vụ còn phải tạo ra giá trị tăng thêm, vượt trên sự mong đợi của khách hàng như các hình thức khuyến mãi, quà tặng.
  • Tổ chức các chương trình “Vì người nghèo của tỉnh Đồng Nai”, “Ươm mầm những ước mơ xanh”, “Chắp cánh tài năng trẻ”, “Chạy bộ vì sức khoẻ cộng đồng”, “Vì người già neo đơn của tỉnh”, “Hỗ trợ tư vấn thanh toán quốc tế cho doanh nghiệp”… giúp nối kết Sacombank Đồng Nai đến với nhân dân toàn tỉnh, tạo được thương hiệu Sacombank trong lòng người dân.


  • Tăng cường tiếp thị, mở rộng đa dạng hóa khách hàng. Đầu tư tín dụng đa lĩnh vực, hạn chế các ngành nghề có độ rủi ro cao. Xem tăng trưởng tín dụng là một đòn bẩy để tạo điều kiện thu hút tiền gởi, thanh toán và dịch vụ.

 

  • Thông qua các ban quản lý khu công nghiệp để quảng bá thương hiệu Sacombank Đồng Nai bằng cách tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề.
  • Đề ra cách sắp xếp hồ sơ hợp lý, có tính khoa học để dễ dàng trong việc tìm kiếm hồ sơ cũ, quản lý tốt tất cả các hồ sơ phát sinh.
  • Đẩy mạnh hoạt động tiếp thị truyền thông như: quảng cáo, tổ chức hội nghị khách hàng, tham gia các hoạt động xã hội, tham gia các hội chợ triển lãm,…Đồng thời có các chương trình mở thẻ ATM đến các trường trung cấp, cao đẳng, đại học,…; tặng quà khuyến mãi khi mở tài khoản tại Sacombank Đồng Nai; đặt logo, thương hiệu Sacombank Đồng Nai ở những nơi nhiều dân cư thường xuyên qua lại; thành lập bộ phận Marketing chuyên về tư vấn, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ đến với khách hàng; lập ra các dự án marketing bài bản, có trình tự và tính khả thi cao.
      Sau khi đề tài được hoàn tất, các giải pháp đưa ra đã được Ban lãnh đạo Sacombank Đồng Nai đánh giá cao và hiện đang được áp dụng tại Sacombank Đồng Nai từ cuối tháng 05 năm 2009, đặc biệt là giải pháp về nguồn nhân lực và quảng cáo, tiếp thị đang được ứng dụng thực tế tốt, các giải pháp khác cũng đang được thực hiện từng bước rất hiệu quả.
 
      Trong quá trình thực hiện đề tài tuy còn gặp nhiều khó khăn về phần phân tích số liệu, bước đầu còn bỡ ngỡ với cách làm việc chuyên nghiệp của ngân hàng, kinh nghiệm và kiến thức thực tế còn hạn chế nhưng tôi đã nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn rất nhiều từ phía các anh chị và Ban lãnh đạo Sacombank Đồng Nai, đồng thời với việc tự tìm hiểu, cập nhập thêm thông tin và kiến thức tôi đã hoàn thành đề tài nghiên cứu này nhanh chóng và được Ban Giám Đốc Sacombank Đồng Nai đánh giá cao.
 
      Tôi chân thành cảm ơn sự hướng dẫn tận tình của TS. Nguyễn Văn Nam và toàn thể các anh chị làm việc tại Sacombank Đồng Nai đã tạo điều kiện thuận lợi và nhiệt tình chỉ dạy để tôi thuận lợi hoàn thành tốt đề tài nghiên cứu khoa học này.
 
      Nền kinh tế Việt Nam ngày một phát triển đòi hỏi các dịch vụ phải ngày càng đổi mới tốt hơn, chất lượng đạt mức tiêu chuẩn, dịch vụ thanh toán quốc tế cũng không ngoại lệ mà còn phải đổi mới nhanh chóng hơn để theo kịp sự phát triển của xuất nhập khẩu, phải cải tiến về hình thức lẫn nội dung sao cho tiện lợi nhất, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của Luật pháp Quốc tế. Đồng thời năm 2009 các ngân hàng 100% vốn nước ngoài đã được thành lập tại Việt Nam, trong tương lai sẽ có những cạnh tranh mới giữa ngân hàng nước ngoài và ngân hàng Việt Nam ngay tại thị trường nội địa. Khi chính thức là thành viên của gia đình Sacombank Đồng Nai tôi hi vọng sẽ tiếp tục được nghiên cứu về sự cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam và các ngân hàng nước ngoài về các sản phẩm dịch vụ.
 
      Do kinh nghiệm và kiến thức thực tế còn hạn chế, cùng với thời gian nghiên cứu ngắn nên đề tài không tránh khỏi những thiếu sót nhất định, tôi hi vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều đề tài nghiên cứu về phát triển dịch vụ tại các ngân hàng thương mại để hoàn thiện hơn nữa các công trình nghiên cứu, bổ sung thêm các giải pháp thiết thực, sáng tạo để giúp các ngân hàng trong nước có khả năng cạnh tranh cao với các ngân hàng nước ngoài đang hình thành ngày càng nhiều tại Việt Nam.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
    
1. Bản tin hàng tháng của Sacombank.
 
     2. Bản tin nhà đầu tư của Sacombank.
 

     3. http://thuvien.dhnh.edu.vn:7778/portal/page?_pageid=33,2948,33_9123
 

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
   * Sinh viên lớp 05NT1 - Khoa Quản trị - Kinh tế quốc tế.
   Trường Đại học Lạc Hồng.

 

 


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  831,944       1/971