Tiêu điểm

Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp: những mảnh ghép hoàn hảo trên cung đường 4.0

Bài 3 (Bài cuối): Hợp tác trong nghiên cứu và phát triển giữa trường đại học và doanh nghiệp: Những điểm sáng và khoảng trống

Tại Đồng Nai, mô hình hợp tác giữa trường đại học (ĐH) và doanh nghiệp (DN) được đẩy mạnh từ hai thập niên trở lại đây. Việc hợp tác này được thực hiện ở nhiều hạng mục, trong đó, nghiên cứu và phát triển là hoạt động được các bên quan tâm và thúc đẩy. Quá trình này đã bắt đầu có những kết quả tốt, cho thấy sự hợp tác giữa trường ĐH và DN là hướng đi đúng, cần được thúc đẩy mạnh mẽ.

1. Điểm sáng trong hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển giữa trường đại học và doanh nghiệp tại Đồng Nai

Trong phong trào toàn dân tiến công vào mặt trận KHCN do tỉnh Đồng Nai phát động, Trường Đại học Lạc Hồng (LHU) là đơn vị đi đầu trong nhiều năm liền. Sản phẩm do LHU sáng tạo đều mang tính ứng dụng cao, được chuyển giao cho các doanh nghiệp ngay sau khi ra đời.

Tính từ tháng 3/2022 đến nay, LHU đã chuyển giao 69 sản phẩm NCKH cho các DN, thu về hơn 5.000.000.000 VNĐ. Trong đó, khoa Cơ Điện – Điện tử, Trung tâm Thông tin tư liệu, Khoa CNTT và khoa CNTP là những đơn vị dẫn đầu trong hoạt động chuyển giao sản phẩm NCKH cho các DN.

Với thế mạnh về lĩnh vực kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin, LHU đã hợp tác với công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương hoàn thành đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu, phát triển chương trình giáo dục Trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot cho học sinh phổ thông ở Việt Nam”, thu về 2.700.000.000 VNĐ.

Sự thay đổi tích cực trong hoạt động chuyên giao công nghệ tại LHU (Nguồn: tác giả thống kê)

Trong 2 năm qua, LHU được các ban ngành, chính quyền Đồng Nai, các đơn vị sự nghiệp lựa chọn là đơn vị cung cấp giải pháp và phần mềm công nghệ, phục vụ hoạt động đánh giá (sổ đầu bài, chấm điểm, thi cử, tuyển dụng,…) của các đơn vị. Giá trị các hợp đồng khoảng 2.000.000.000 VNĐ.

2. Trường đại học dám “làm”, doanh nghiệp dám chịu “chi”

Thông qua quá trình hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, năng lực của các trường ĐH dần được khẳng định trong lòng các DN. Khi các trường dám làm, các doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ.

Sau khi hoàn thành đề tài “Nghiên cứu, phát triển chương trình giáo dục Trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot cho học sinh phổ thông ở Việt Nam”, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương đã tài trợ phòng thực hành AI cho khoa CNTT (LHU), mở rộng không gian học tập, thực hành, NCKH cho sinh viên và giảng viên ngành CNTT và ngành Trí tuệ nhân tạo của Trường.

Cuối năm 2022, Ngân hàng Á Châu chi nhánh Đồng Nai (ACB Đồng Nai) tài trợ phòng Thực hành Tài chính ngân hàng (ngân hàng thu nhỏ) dành cho sinh viên ngành Tài chính ngân hàng đang theo học tại LHU. Đây là không gian giúp sinh viên ”nhập vai” ngay khi tiếp cận ngành học. Trong suốt quá trình hợp tác, ACB đã cùng LHU tạo ra mô hình cho học sinh THPT có cơ hội trải nghiệm trước khi chọn ngành, chọn Trường.

Là đối tác lâu năm của LHU, Công ty TNHH Sản xuất Toàn Cầu LIXIL Việt Nam (Công ty mẹ có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản) không chỉ nhận chuyển giao đến 36 sản phẩm nghiên cứu khoa học của thầy, trò khoa Cơ Điện – Điện tử trong năm 2022-2023, DN này còn mạnh tay tài trợ cho Khoa phòng thực hành với các thiết bị chuyên về khí nén thủy lực có giá trị khoảng 3.000.000.000 VNĐ. Dự kiến đầu năm 2024 sẽ đi vào hoạt động.

ACB tài trợ Phòng thực hành Tài chính ngân hàng cho sinh viên ngành Tài chính ngân hàng (LHU)

TS Lâm Thành Hiển – Hiệu trưởng LHU nhận định: Để các doanh nghiệp tin tưởng, các trường đại học phải cho họ thấy năng lực thực tiễn của mình cũng như sự cam kết. Chân thành, cầu thị, dám làm là những điều mà doanh nghiệp cần.

3. Những “dư địa” còn bỏ ngỏ

Sự hợp tác trong nghiên cứu và phát triển giữa trường ĐH và DN có phạm vi rộng, không chỉ là nghiên cứu khoa học, thương mại hoá sản phẩm, mà còn là hỗ trợ khởi nghiệp và học tập suốt đời. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay, hoạt động hợp tác trường ĐH – DN về học tập suốt đời vẫn đang còn nhiều khoảng trống dù phía chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn tạo điều kiện thúc đẩy.

Học tập suốt đời là kỹ năng quan trọng nhất trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng lần thứ Tư. Tuy nhiên, đây là kỹ năng đang thiếu của nguồn nhân lực. Để giải quyết được bài toán này, rất cần sự chung tay từ các doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ) cần phối hợp, đồng hành, tài trợ cho các trường ĐH triển khai các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin trên mạng Internet một cách an toàn, hiệu quả cho sinh viên. Bản thân các trường phải cung cấp các nguồn tài nguyên học liệu mở, liên thông, liên kết với hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên để phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người lao động.

Bài 1:  không ai vỗ tay bằng một bàn tay

Bài 2: Giải pháp tối ưu để xoá bỏ “vùng trũng” trong bức tranh nhân lực

Ra Khơi

Hợp tác doanh nghiệp; LHU; NCKH; Chuyển giao công nghệ; Thương mại hoá sản phẩm NCKH


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        29,627,761       16/686