Tiêu điểm

Sinh viên chế tạo máy in 3D đa năng

Đam mê với công nghệ mới, từ khi còn là sinh viên năm nhất đại học, Lê Châu Tấn Phát (Khoa Cơ điện - điện tử, Trường đại học Lạc Hồng) đã tìm hiểu công nghệ in 3D. Đến nay, em cùng với một số sinh viên khác đã chế tạo được máy in 3D với 2 chức năng: in nhựa và in thực phẩm.
Đáng nói, giá thành máy in do sinh viên này lắp ráp rẻ hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Theo đuổi đam mê
Sau khi tốt nghiệp THPT ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, Lê Châu Tấn Phát quyết định theo học ngành Điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng. Chập chững bước chân vào năm thứ nhất, Tấn Phát đã bị cuốn hút ngay vào công nghệ in 3D và bắt đầu tìm hiểu lĩnh vực này kể từ đó, thông qua các buổi làm việc chung với sinh viên khóa trên. Năm 2015, Phát cùng với một nhóm sinh viên thực hiện đề tài máy in Chocolate. Đề tài này đã giành giải nhất tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2015. Kế thừa đề tài, Phát tiếp tục tìm tòi, học hỏi để chế tạo máy in 3D đa năng. Tấn Phát đã phối hợp cùng bạn học Nguyễn Ngọc Thiện thực hiện công trình này. Đến nay, sau 2 năm, máy in 3D đa năng của Phát đã được lắp ráp thành công và hoạt động tốt.
 
Lê Châu Tấn Phát (trái) và Nguyễn Ngọc Thiện đang cho máy in 3D in thử “vật liệu” tương ớt
 
Theo Phát, trước đây việc tìm hiểu và chế tạo máy in 3D có nhiều khó khăn. Thời điểm cách đây mấy năm, công nghệ in 3D chưa phát triển ở Việt Nam. Chỉ một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng mới có máy in 3D, do vậy, em hiếm có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với công nghệ này mà chủ yếu là “gặp gỡ” trên internet. Việc mua các linh kiện để lắp ráp cũng không thuận lợi vì rất khó tìm mua. May mắn là trong suốt quá trình học hỏi, chế tạo máy in 3D, Tấn Phát và các bạn đều nhận được sự trợ giúp tận tình của TS. Nguyễn Vũ Quỳnh (Trưởng khoa Cơ điện - điện tử) cả về vật chất lẫn tinh thần.
 
Tấn Phát chia sẻ: “Hiện tại, việc tìm hiểu về công nghệ in 3D rất thuận tiện. Công nghệ này đã phổ biến trên thế giới. Vì vậy, chúng ta có thể tìm được 90% thông tin cần thiết nếu muốn tự hoàn thiện một chiếc máy in 3D. Thậm chí, việc viết phần mềm còn có mã nguồn mở, mình chỉ dựa vào đó để chỉnh sửa theo yêu cầu sử dụng. Điều quan trọng là chúng ta phải hoàn thiện phần cơ khí sao cho phù hợp”.
 
Đam mê và tìm hiểu sâu về công nghệ in 3D nên Phát khá tự tin về khả năng của mình trong lĩnh vực này. Mặc dù chưa hoàn tất chương trình học nhưng em đã nhận được lời đề nghị làm việc tại một công ty ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy vậy, Phát đã từ chối lời mời này. Em cho biết: “Em muốn bổ sung thêm kiến thức rồi mới đi làm. Chắc chắn công việc mà em lựa chọn sau này sẽ liên quan đến máy in 3D bởi vì đây chính là đam mê của em. Ban đầu, khi đến học tại Trường đại học Lạc Hồng là vì danh tiếng Robocon của trường. Tuy nhiên, khi đi vào tìm hiểu công nghệ in 3D em liền bị thu hút ngay. Sự gần gũi giữa công nghệ này với những ứng dụng thực tế trong cuộc sống hằng ngày cũng chính là động lực giúp em muốn theo đuổi nó”.
Cùng thực hiện công trình với Phát, Ngọc Thiện đã được một công ty ở Biên Hòa nhận vào làm việc với mức lương khởi điểm 6 triệu đồng. Cuối tháng này, em bắt đầu công việc. Thiện cho biết, với công trình nghiên cứu khoa học thực hiện tại trường, em gặp nhiều thuận lợi khi phỏng vấn xin việc.
Máy in 3D cho gia đình
Một bà nội trợ muốn làm một món bánh ngon và có hình thù đẹp mắt nhưng không có khuôn làm bánh. Trong trường hợp này, máy in 3D là sự lựa chọn hữu hiệu. Theo đó, sau khi hoàn tất khâu nhào bột, bà nội trợ sẽ cho nguyên liệu vào máy in 3D và lựa chọn mẫu in rồi nhấn nút. Chiếc máy in 3D sẽ hoàn tất khâu còn lại. Việc của bà nội trợ là đem bánh bỏ vào lò nướng… Đó là viễn cảnh không xa trong một gian bếp hiện đại có sự hiện diện của chiếc máy in 3D.
 
Ưu điểm của máy in 3D đa năng chính là có thể rút ngắn thời gian, chi phí; đơn giản, tự động hóa; tối ưu hóa quá trình kiểm tra và chỉnh sửa sản phẩm. Khi cần chỉnh sửa có thể thực hiện ngay trên máy tính và in lại là xong. Chế tạo vật thể có kết cấu đặc biệt phức tạp, đòi hỏi tinh xảo, chính xác mà các phương pháp gia công truyền thống không thể làm được.
Hiện nay, thế giới cũng đã phát triển nhiều thư viện dành cho người dùng máy in 3D. Do vậy, người dùng có thể tải những hình ảnh trên thư viện này về để sử dụng. “Nếu đưa máy ra thị trường thì bản thân em cũng sẽ phải tạo nên một thư viện hình ảnh; đồng thời luôn luôn cập nhật hình ảnh mới theo xu hướng của người dùng”, Tấn Phát cho hay. Thực tế, Phát đã lắp ráp và bán được 11 chiếc máy in 3D có chức năng in nhựa với giá từ 5 - 10 triệu đồng/máy.
Đối với máy in 3D đa năng, đây không phải là một sáng chế mới. Tuy nhiên, giá thành của sản phẩm này không hề rẻ. “Máy in 3D đa năng này có thể in được vật liệu nhựa và thực phẩm (chocolate, các loại bột, tương ớt…). Trong nước, chiếc máy này có giá bán khoảng trên 40 triệu đồng. Trên thế giới, một chiếc máy như vậy có giá khoảng 5.000 USD. Còn máy do em chế tạo có giá thành chỉ khoảng 15 triệu đồng. Do vậy, nó phù hợp sử dụng cho hộ gia đình hoặc các quán ăn, nhà hàng nhỏ”, Tấn Phát cho biết.
Tuy giá thành rẻ hơn nhưng theo đánh giá của bản thân Phát, máy in do em lắp ráp có thể đảm bảo ngang bằng với các máy in trên thị trường về chức năng hoạt động cũng như tốc độ in. Mặt khác, giao diện máy in này khá thân thiện với người dùng vì chỉ có một nút bấm để điều chỉnh. Hạn chế duy nhất của máy in 3D mà Phát lắp ráp chính là mặt thẩm mỹ vì chưa đẹp bằng các máy in 3D của thế giới. Trong thời gian tới, Phát sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện máy cũng như làm cho nó có độ thẩm mỹ cao hơn.
Được biết, ngoài Tấn Phát, hiện ở Việt Nam có một nhóm sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và một công ty cũng chế tạo máy in 3D đa năng. Phát cho biết: “Em đã trực tiếp quan sát máy in 3D đa năng do công ty sản xuất, em thấy máy của mình nhỏ gọn hơn”.
 
Theo PV-Hải Yến. Báo Lao động Đồng Nai

Thông tin giáo dục


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        29,720,324       10/716