Tin tức

Kỷ niệm 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2020) - Một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Chiến dịch Điện Biên Phủ. Một chiến dịch lừng danh địa cầu

Ngày 20/11/1953, dưới sự chỉ huy của thiếu tướng Gin (Gilles), Pháp mở cuộc hành quân Castor (Hải Ly) nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. Lực lượng huy động gồm hơn 60 máy bay Đa-kô-ta chở sáu tiểu đoàn dù với quân số 4.545 tên cùng với 190 tấn vũ khí đạn được và các thiết bị chiến tranh. Tướng Cô-nhi, chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ coi đây là “khởi đầu của một cuộc chiến tranh đại quy mô…”

Trong kế hoạch Na-va đông xuân 1953-1954, Bộ Tổng tham mưu Pháp muốn giăng một cái bẫy dụ đối phương vào tròng. Cái bẫy đó, theo họ, phải được chuẩn bị chu đáo tới mức khi quân Việt Minh nhảy vào sẽ gặp một sự kháng cự, một hoả lực mạnh không thể lường trước. Cái bẫy đó là Điện Biên Phủ. 

Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh rời căn cứ địa Việt Bắc lên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Mười hai ngày sau, ông đến khu rừng nguyên sinh thuộc xã Mường Phăng, nơi đặt Sở chỉ huy và cũng là nơi ông làm việc suốt thời gian diễn ra chiến dịch. Đất Điện Biên, rừng Điện Biên chở che cho ông, người Điện Biên dành cho ông những tình cảm thân thương nhất. Cũng kể từ đấy tên tuổi của ông đã gắn liền với vùng đất huyền thoại này.

Ngày 13/3/1954, quân đội Việt Nam mở cuộc tiến công lớn đầu tiên vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Về sau này, Đại tá Lăng-gle, tư lệnh lục quân, viết lại: “Thời điểm chúng tôi dự kiến cuộc tiến công của tướng Giáp là 5 giờ chiều ngày 13/3. Nhưng đúng 5 giờ chiều chẳng có gì xảy ra như dự kiến. Vậy cho nên tôi cho tiến hành một trận pháo kích… Đúng lúc đó, 200 trái đạn của tướng Giáp dội vào sân bay và khu trung tâm trên một mặt phẳng theo hình tam giác. Hàng rào đạn kéo dài một giờ đồng hồ. Nó kéo dài như vô tận.”

Vẫn theo đại tá Lăng-gle, cho đến lúc đó, pháo binh Pháp vẫn chưa định hướng nổi các cỗ pháo của tướng Giáp, ngay cả lúc nòng pháo họ phát hoả. Tướng Na-va tại Hà Nội theo dõi chặt chẽ đã tỏ ra kinh ngạc. Mọi pháo thủ Pháp hay Mỹ đã từng quan sát Điện Biên Phủ, ngay cả người Mỹ đang ở đây đều nghĩ Việt Minh đang ở đằng sau các mỏm đồi nã pháo vào quân ta. Điều kinh ngạc nữa là làm sao họ có thể mang nổi pháo lại gần hơn điều mà ta có thể nghĩ ra. Cách giải thích đó nói lên sai lầm của pháo binh Pháp khi đánh giá tình hình và tôi cũng phải chịu trách nhiệm vì tôi là người chỉ huy cao nhất.

Ngay giờ đầu tiên, 500 lính Pháp đã tử trận trên quả đồi. Vào xế chiều, Việt Minh tung cả sư đoàn bộ binh đánh chiếm Bê-a-tri-xơ (Him Lam), điểm chốt của trung tâm, đến nửa đêm thì Bê-a-tri-xơ chỉ còn là một nấm mồ. Chỉ có 200 binh sĩ trong số 700 quân đồn trú thoát chạy. Sau thảm hoạ đầu tiên này, Tư lệnh pháo binh, đại tá Sác-lơ Pi-rốt đã tự sát.

Tại đây, ngày 26/1/1954, chỉ mấy tiếng đồng hồ trước khi nổ súng mở màn chiến dịch, ông đã có “quyết định khó khăn nhất” trong đời binh nghiệp: chuyển từ phương châm “Đánh nhanh thắng nhanh” như kế hoạch ban đầu sang “đánh chắc, tiến chắc” bảo đảm cho chiến dịch toàn thắng, làm nên vinh quang cho dân tộc.

Trận địa pháo ngay trong ngày đầu tiên của Chiến dịch.

Ngày 30/3/1954, đợt tiến công thứ hai của quân ta vào cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Ngày 1/4, tướng Na-va quyết định đưa thêm ba tiểu đoàn dù tăng viện cho Điện Biên Phủ với mong muốn “Nếu Điện Biên Phủ giữ được ba ngày nữa, Việt Minh sẽ phải bỏ cuộc”.

Ngày 1/5/1954, đợt tiến công thứ ba, cũng là đợt tiến công cuối cùng của quân ta vào Điện Biên Phủ bắt đầu.

Ngày 6/5, quân đội Pháp tất cả đều đã kiệt sức, hoàn toàn rã rời. Hết cả đạn dược. Quân số cũng cạn.

Ngày 7/5, khi quân Việt Minh tới, đại tá Lăng - gle kêu gọi sĩ quan nào còn sống sót tới xung quanh để bắt đầu một cuộc thử sức cuối cùng, nhưng không ai còn khả năng chống cự lâu được nữa. Đại tá Lăng - gle báo cáo lên tướng Đờ Ca-xtơ-ri. Tướng Đờ Ca-xtơ-ri gọi cho Hà Nội và thông báo cuộc chiến đấu đã chấm dứt rồi.

Đúng 5 giờ chiều ngày 7/5/1954, kể từ giờ phút mở màn đã là 55 ngày, những anh bộ đội cụ Hồ đội mũ nan, lưỡi lê đầu súng bước vào chỉ nói: “Đứng dậy!”.

Chiến sĩ Điện Biên - những người lính Cụ Hồ anh hùng. 

Tháng 5 năm 1954, Điện Biên Phủ vốn là một bản quê hẻo lánh ở vùng núi rừng Tây Bắc Việt Nam bỗng trở thành một địa danh “lừng lẫy năm châu”. Với nhân dân ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử chống ngoại xâm. Với thế giới, Điện Biên Phủ được biết đến như một đòn trí mạng giáng vào chủ nghĩa thực dân cũ và dẫn đến sự sụp đổ của nó trên phạm vi nhiều châu lục. Với đối phương, đây là một thảm bại mà họ buộc phải chấp nhận trong nỗi uất hận và đau buồn nhớ lại một Oa-téc-lo thuở xưa, xen lẫn cả sự tâm phục khẩu phục một đối thủ mà chỉ trước đó ít lâu, họ tưởng có thể bóp chết được bằng “cái bẫy Điện Biên Phủ”.

Biên Hòa - Đóng góp vào chiến thắng Điện Biên Phủ

Đầu năm 1952, Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Đông cử 10 cán bộ do đồng chí Lê Đức Anh, tham mưu trưởng Phân liên khu dẫn đầu bảo vệ đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Trung ương Cục ra Trung ương. Trên đường đi, đoàn (gồm Trần Thắng Nê, Nguyễn Hữu Liêm, Nguyễn Đôi) đã phổ biến kinh nghiệm chiến đấu đặc công ở Bình Thuận (Khu 6) vào tháng 6-1952. Đến tháng 9-1952, đoàn mở lớp huấn luyện đặc công cho bộ đội Khu 5 ở Quảng Nam.

Năm 1953, tổ đặc công miền Đông ra Bắc bộ. Tháng 9-1953, hai đồng chí Nguyễn Đôi và Trần Thắng Nê mở lớp huấn luyện đầu tiên về lối đánh đặc công ở xã Dân Chủ, H.Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Sau đó hai đồng chí mở tiếp lớp huấn luyện cho 70 cán bộ, chiến sĩ ở các sư đoàn 308, 312, 316, trung đoàn 126, các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Phúc Yên, Quảng Yên.

Trên chiến trường miền Bắc, khi chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 giành nhiều thắng lợi, Trung ương quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ đập tan tập đoàn cứ điểm của Pháp ở lòng chảo Điện Biên. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 13-3-1954. Phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ, các chiến sĩ đặc công đã tiến công các sân bay Đồ Sơn, Cát Bi (Hải Phòng), Gia Lâm (Hà Nội). Đồng thời theo chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Chỉ huy chiến dịch, tổ giáo viên, huấn luyện viên đặc công của miền Đông đã tổ chức các lớp huấn luyện các đội dũng sĩ để đánh diệt các cứ điểm quân sự (trong đó có cứ điểm đồi A1), diệt xe tăng, pháo binh địch, hợp đồng chặt chẽ cùng với bộ binh diệt địch đạt hiệu quả, góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch Điện Biên Phủ sau 56 ngày đêm tiến công.

Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, các chiến sĩ đặc công đã có những đóng góp nhất định vào thắng lợi chung. Đồng thời qua Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng đặc công càng thêm thực tiễn sinh động để rèn luyện và nâng cao kỹ chiến thuật, phối hợp tác chiến để tiếp tục giành thắng lợi vang dội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần vào thắng lợi chung giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ miền Đông, Chiến khu Đ, cách đánh đặc công của Biên Hòa đã phát triển ra cả nước và phát triển thành binh chủng đặc công của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ngày 19-3-1967 thành lập Binh chủng Đặc công đặc biệt tinh nhuệ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới cái nhìn của thế giới

Trên phạm vi thế giới, với chiến thắng Điện Biên Phủ, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại: một dân tộc vốn là thuộc địa nửa phong kiến, đất không rộng, người không đông, kinh tế còn lạc hậu, vũ khí kém cỏi, đã đánh thắng quân đội xâm lược của một cường quốc phương Tây có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn, trang bị vũ khí hiện đại.

Phương tiện vận chuyển thô sơ nhưng là sự kết tinh của khối đoàn kết đại dân tộc đã làm nên trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong lần đến thăm Việt Nam, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã nói: “Từ trước đến nay chưa từng có một cuộc chiến tranh nào mà một nước nhỏ, kinh tế lạc hậu như Việt Nam mà vẫn đánh thắng Pháp và Mỹ. Đó là vô song. Trên thế giới chưa từng có. Trong lịch sử chưa từng thấy”.

Trong dịp sang thăm Việt Nam năm 1960, trưởng đoàn đại biểu quân đội Angiêri Ô man - Uxêđích nói: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho các dân tộc thuộc địa ngửng cao đầu”. Gần hai thập kỷ sau Điện Biên Phủ, hàng loạt nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh đã lần lượt giành độc lập với hình thức và mức độ khác nhau. Phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển sâu rộng.

Báo Nước Pháp người quan sát (France Observateur) ngày 13/5/1954 đã viết: “Trước hết bản kết toán về cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ đã rõ ràng. Đó là chiến thắng quyết định và hoàn toàn đối với tướng Võ Nguyên Giáp, một sự thất bại hoàn toàn đối với tướng Na-va, Bi-đô, Plê-ven, La-ni-en,… Nếu người ta nói đến sự “thất bại” của Điện Biên Phủ thì phải gọi đúng tên của nó. Đó là một sự đầu hàng”.

Chiều ngày 7/5/1954, lá cờ Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Ca-xtơ-ri
đánh dấu mốc son chói lọi của con người, đất nước Việt Nam.

Trong cuốn sách “Thời điểm của những sự thật” xuất bản sau này, tướng Na-va, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, đã viết: “… Về phương diện chính trị, Việt Minh là một quốc gia thật sự. Thật vậy uy quyền trực tiếp của họ lan rộng quá nửa nước Việt Nam… Nhưng than ôi, tình hình bên ta thì hoàn toàn trái ngược lại. Chưa bao giờ chúng ta có được một người cầm quyền từ đầu đến cuối. Trong khi đối phương chỉ có một lãnh tụ chính trị duy nhất - Hồ Chí Minh - và một lãnh tụ quân sự duy nhất - Võ Nguyên Giáp…”

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng, trong đó sự đóng góp của quân dân cả nước là rất lớn. Đặc biệt với kỹ thuật đánh đặc công xuất phát từ Chiến khu Đ được phát triển ra cả nước, góp phần tiêu diệt các cứ điểm vững chắc của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ.

 

 

Đảng ủy

66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        16,294,335       8/593